Cha và Con

Thứ Năm, 29 tháng 3, 20120 nhận xét


Nào thử xem, mười năm qua con đã làm được gì? Không gì cả, con vẫn hai bàn tay trắng, vẫn bồng bột và cảm tính như ngày nào. Mười năm qua, con đi từ kiệt cùng ngõ thẳm hang hoang đến phố thị phồn vinh và sẵn lòng cười cả khi lòng đớn đau nhất.
Khi được ba tuổi tôi theo cha về Xuân Mai, bên mái tranh có bà nội, bố, tôi và cả con chó quýt. Tự bấy nhà tôi chính thức hộ khẩu tại Hà Tây (cũ).
Một hay hai năm sau mẹ mới từ Hà Đông mà chuyển về. Nhà có mấy sào mía, bố tính trồng mía trước hết là để đào ao, sau là để làm nhà. Tiền bán vụ mía đầu tiên nhà đào được cái ao rộng tới 240m2, bố tôi thả xuống rất nhiều cá sinh sôi nhanh nhất vẫn là Rô phi. Chiều hai bố con ra câu, cá giật lên thì mẹ làm cơm. Có bữa bố tôi bảo: Cá bố câu con nguyên con, còn cá thằng Quang câu đâu rồi? Tôi cự lại: Cá bố câu mẹ rán vàng ươm nên nó mới nguyên con, còn cá con câu mẹ đem nấu canh cải thế là cá lại về với nước.
Bố tôi cười.
Năm tôi đi học, hình như lớp 2 chi đó. Từ nhà đến trường những bốn năm cây số, có bận đi học về gặp bác Côn người dạy cùng trường bố tôi. Hai bác cháu vừa đi vừa nói chuyện, về đến trường Bồi dưỡng Giáo viên bác ấy mới hỏi: Cháu con ai, nhà cách đây bao xa? Tôi chỉ tay vào rặng mía phía trước nói. Bố cháu dạy cùng trường với bác, nhà cháu kia kìa?
Thế là hôm sau bác Côn đến nhà đem toàn bộ câu chuyện kể lại với bố tôi, tấm tắc khen rằng thằng bé thông minh. Từ đó, bố tôi kèm tôi dữ lắm, cái cán chổi lông khi nào cũng bóng loáng. Có bận tôi giải mãi bài toán mà không xong, bố giận đánh cho tơi tả, hỏi rằng: Sai ở đâu? Sai ở đâu? Tôi nghĩ: Con mà biết sai ở đâu thì làm gì phải hỏi bố? Học xong thì bố múc nước rửa tay cho, thường vẫn bảo, tay rửa mà nhiều mực là ham học.
Lại có bận ông vận đồ sang như sắp lên trường, cái chổi lông gà vẫn để trước mặt. Nhưng lần này ông chỉ ra vườn bảo: Mẹ con đang làm ngoài vườn cho con ở trong này học. Bữa ấy tôi sáng ý bất ngờ.
Vì cái sự bị bố kèm dữ như thế, nên liền mấy năm học khi nào tôi cũng đứng trong top 3 đứa đầu lớp. Ngày nghỉ hưu, ông rất buồn. Có khi tôi thấy ông lùi lũi rào dậu một mình cả buổi không nói năng chi cả, cái sự kèm tôi học lại càng dữ.
Có năm tôi vào đội tuyển học sinh giỏi sử, cố công học hành, đến ngày thi thì nhà tát ao, tôi bỏ luôn. Về nhà bố hỏi: Sao không đi thi? Đáp con ở nhà bắt cá, con bắt được con cá chuối rất to (con cá ấy sau cân được 1 ký tư). Từ đó bố tôi đổi hẳn cách dạy, không còn cái chổi lông gà nữa, chỉ bảo: "Bao giờ con thấy cái sự học là cần thiết thì lúc ấy con sẽ ham".
Tôi thích thứ gì thì ông dành dụm mua về thứ ấy. Mấy thứ đồ chơi như súng ống, đầu lân, đèn ông sao, tôi đều tự làm lấy cả nên chỉ đòi bố mua sách sử. Ông mua về rất nhiều, lên lớp bẩy có bữa bố đi Hà Nội mấy ngày khi về ông đưa cho tôi một cái bọc bảo: Đây là Tam Quốc diễn nghĩa trọn bộ 8 tập. Về sau ông thường giảng Kiều nhưng tôi chỉ thích đoạn nói về Từ Hải vì ở đó có hơi hướng vũ khí và đánh nhau.
Lên đến cấp III, bố tôi mua về bộ Kinh Dịch của Ngô Tất Tố, sau lại có cả Kinh Dịch của Nguyễn Hiến Lê. Đại khái cứ ngủ trưa dậy là ông bắt tôi ngồi đó nghe giảng. Tôi chẳng biết mô tê thế nào chỉ chực ngáp ngủ. Sau này ra đến Đại học, sơ qua thứ đó, về nhà mới hỏi bố: Dịch là gì? Bố tôi đáp: Dịch là tự nhiên, là con? Lại hỏi như con thì thế nào? Bố tôi đáp: "cáo bơi qua sông ướt đuôi, không có lỗi vậy". 
Giờ tôi mới hiểu mỗi lần ông giảng với tôi về Kinh Dịch là để giãi bày còn cái đích hướng tôi tới cái đích hiểu và biết về Kinh Dịch nhẹ hơn rất nhiều. Con trẻ nông nổi là thế đó!
Cuối năm hai Đại học, bố tôi bạo bệnh, khi choàng mắt ông thấy tôi bên cạnh mới nắm tay mà nói: "Sức con có thể lấy được cái bằng tiến sỹ". Nhưng về sau tôi cũng không theo học lên nữa thầm nghĩ: "Bố nói sức mình có thể lấy bằng Tiến sỹ nhưng không hề dặn là phải lấy cái bằng ấy về". Thế thì học làm quái gì? Hay là học cho thêm ngu đi?
Về sau tôi ra trường, đi dạy ở Hà Nội không nên cơm cháo gì, mẹ bảo về. Thế là về, nhàn rỗi vẫn thường cùng ông bạn làm gốm nặn ra mấy cái bình rồi đem nung rồi ngắm nghía. Tối về lại lần lại tủ sách bố tôi để lại đọc đến khi bơ phờ mới thôi. Mẹ bảo: khi xưa bố mày đọc sách cũng không đến nỗi thế, mày học kiểu đó ích gì? Từ bấy cứ đọc xong một cuốn sách mình mua là lại đem đốt bỏ, giá sách ở nhà chỉ còn chút ít những gì bố tôi để lại.
Còn giờ tôi phiêu bạt, bôn ba không ngừng. Mười năm qua một chớp mắt nào biết chăng mười năm sau nữa?
Share this article :

Đăng nhận xét

Recent

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Tuần hantimes - All Rights Reserved
Han Times| Đơn giản Sông luôn chảy
Proudly powered by Đăng nhập