Simacai: Tráng ca biên tái

Thứ Hai, 27 tháng 2, 20120 nhận xét

Qua đến cổng trời Cán Cấu là đất Simacai, nơi biên tái hút nẻo. Đây là xứ sở của Đá, của người h’mông xanh, của rượu mà một thời người ta gọi là bản say. Nhưng hơn tất cả là một sức sống trên địa tầng cổ xưa của Bắc Bộ, nơi thượng nguồn sông Chảy.
Kể về lai lịch của huyện thì dài dòng lắm, riêng cái tên Simacai đã có bao nhiêu truyền thuyết rồi, nhưng hỏi cặn cẽ mới hay nguyên gốc tiếng Quan Hỏa là Sín Mà Cái- Nghĩa là cái chợ ngựa mới. Từ xưa, trai các bản làng người Mông, người Tày về đây bán ngựa, thương lái từ xuôi hay từ Trung Quốc sang, chợ cũ, chợ mới nối liền nhau lâu ngày thành ra phố (con đường mà hai bên có bán hàng thì được người dân ở đây gọi là phố). 
Đường lên biên tái
Nơi này, tận cùng của cánh bướm vỗ về trên dải Hoàng Liên Sơn (tức là đất Lào Cai), trên khối địa tầng cổ xưa nhất của Bắc bộ với núi đá u uẩn trong sương và vòi vòi vách đá chồi ra bên mép vực.
Simacai rõ ra là khúc tráng ca biên tái diệu vợi.
(Đường lên biên tái - photo by Sông Hàn)
Đường từ thành phố mà lên tới đây một trăm cây có lẻ, đường 70 đang được sửa chữa, bụi cuộn mù mịt, nhan nhản những ổ trâu, ổ voi (biết rằng xấu, nhưng như thế thì xấu quá!) Tới địa phận Bắc Hà (nơi nổi danh có chợ ngựa, rượu) mà vượt lên đi Simacai, toàn là núi cao, vực hiểm, đè lên đá nhiều triệu tuổi mà đi. Thảng thốt bên khúc cua tay áo một chồi đá, thăm thẳm bên dưới là thung sâu. Đến đó thì một tiếng kêu kêu to lạnh cả trời.
Nếu nói con lộ 4D đoạn từ cuối Sapa mà lên tới cổng trời (địa phận Lai Châu), vắt ngang qua độ cao 1920m dưới chân đỉnh Fanxipăng là đệ nhất sơn lộ trên toàn cõi Việt Nam, thì đường lên tới Simacai cũng vào hàng đệ nhị. Đại khái hơn kém nhau vài ly.
Đến với Simacai là đến với xứ của đá, nói không quá chứ hình như đá cả thế gian này đổ dồn hết vào đây. Núi cao và ruộng bậc thang khiến có người  tưởng ra rằng đó là vết nhăn trên trán của ông Bố rừng già muôn đời trầm tư. Và con sông Chảy khởi nguồn từ Trung Quốc về đây- băng qua núi đá mà gào khúc Rock du mục. Vì lắm đá như thế nên người ở đây gọi là cấp quyền sử dụng đá chứ không phải là cấp quyền sử dụng đất (có đất đâu mà cấp). Nhà làm thẳng trên nền đá, thành ra cái móng thiên niên vạn đại; đường cũng đè trên đá thành ra cái lối mòn mà lâu ngày con ngựa đi qua, cọ bụng làm mòn cả vách núi.
            Năm 1979, Chiến sự Trung- Việt bùng nổ, người ăn màn thầu còn chẳng dám đánh vào vùng lãnh địa của đá này (mặc dù hai bên chỉ cách nhau một con ngòi nhỏ hoặc vạt rừng sa mộc- Còn người Simacai thì dậm dọa: nó đánh vào đây nó chết). Sau đó, Simacai sát nhập với Bắc Hà, phố chợ càng thêm vắng hoe.
Sức sống trên vòm sông Chảy
Năm 2000, huyện tái lập trở lại, cán bộ về đây lập huyện, cắm xã, cắm bản toàn là tay cự phách, giàu tráng trí xông pha hoặc giả người già nhiều uy tín với dòng tộc. Cái việc đó gọi không gì chính xác bằng đeo gươm, vác búa đi khai sơn phá thạch (Đỗ Doãn Hoàng - Simacai bài ca biên tái diệu vợi).
Cán bộ về với bà con, việc đầu tiên không phải là xây trụ sở mà làm đường cho xe máy, xe ô tô vào tận bản. Thấy cán bộ đo đạc, tính toán, có cụ già người H’mông trên đỉnh Thào Su Phìn bảo: “Bao giờ con sông Chảy chảy ngược thì cán bộ mới làm được đường à”. Việc như không tưởng vậy mà cuối cùng thành công, hôm khánh thành cán bộ cả huyện kéo nhau vào bản, vui bên chén rượu nồng say mà sông Chảy vẫn muôn đời về xuôi.
(Thị trấn Simacai - photo by Sông Hàn)
Tám năm, bây giờ thị trấn Simacai đã đường hoàng dưới một thung lũng nhỏ, bốn bề là núi toàn là sa mộc già gân guốc và cây thông lá kim. Đường giao thông tốt vào hàng đầu của tỉnh Lào Cai (nói về giao thông của Lào Cai người ta bảo là xấu nhất Đông Dương). Ở trung tâm thị trấn có nhà bưu điện, hiệu thuốc, hàng ăn… và có cả internet nữa. Hôm tôi vào đó để check mail thấy mấy đứa trẻ choai người Mông chơi Audison, Võ lâm truyền kỳ rất điệu nghệ.
Tôi có đi Sín Chén nơi làm bùng phát phong trào nội trú, bán trú dân nuôi (khởi nguồn của phong trào là từ Thào Su Phìn). Bữa đấy đúng ngày 20/11, giáo viên ai cũng hớn hở, còn đám học trò vùng cao đáng yêu đến lạ kỳ, chúng đội ô, trong mưa phùn nghe và hát cùng thầy. Cái sự hồn nhiên của trẻ con đâu mà chả vậy?
(Học trò cao nguyên đá - photo by Sông Hàn)
Sự học đã vậy còn lo cái sự ăn cho đồng bào. Việc này kể ra thì rất là lý của Simacai. Năm năm lại đây huyện không có vụ cháy rừng nào lớn, bởi… có rừng đâu mà cháy. Rừng thông 15, 20 năm mới cho thu hoạch, rừng cấm từng chòm từng mảng dăm ba ha. Đất canh tác quý như vàng, cả huyện đổ đều thì một hộ bốn người chỉ có tròn một 1ha đất canh tác, trồng lúa trồng ngô chỉ được  một vụ. Mùa lạnh núi đá Simacai thành ra trọc không, nhưng xuân qua, mưa xuống đó là bờ xôi ruộng mật vậy.
(ruộng bậc thang - photo by Sông Hàn)
Tám năm khai sơn phá thạch, đến giờ đồng bào mới có 100ha lúa canh tác hai vụ. Mèn mén đồ ăn truyền đời của người H’mông giờ lại thành ra thứ đặc sản để huyện nhà đãi khách miền xuôi.
Simacai vẫn là huyện nghèo nhất và gian khó nhất của Lào Cai thậm chí là của cả nước. Lý do: Vùng biên tái khuất nẻo lại đúng vào ngõ cụt của tỉnh. Thiếu đất canh tác, ông Chủ tịch huyện Đỗ Trường Sơn nói như tiếc của trời: “Tôi đi thấy nhiều nơi đất đen kịt, tốt lắm, thế mà không có cày cấy gì cả, chả bù cho người Si đến một tấc đất cũng không bỏ phí”. Thứ nữa là rất lạnh. Ở đây chỉ có cây sa mộc và loài thông là sống được, rừng không có thú và cũng phải nhường chỗ cho bà con làm đất canh tác. Ông Bí thư huyện ủy Ly Seo Lùng là người H’mông chính gốc Sín Chéng, vui chuyện đem cỏ voi về cấy lên triền đá, định bụng mùa rét có thứ cho bò ăn. Cỏ lên xanh vậy mà vừa sau một đêm rét, sáng đã chết vàng lá, hôm sau thì cả củ, rễ cũng không còn.
Chút tản mạn về rượu đất Si
(Bán rượu chợ  Sín Chéng: Photo by Sông Hàn)
Trong khó khăn, tình người thêm nồng hậu, người Simacai chân thật hoang sơ. Bạn cứ thưởng tưởng tượng, bên vách núi cheo leo mù sương, có vài ngôi nhà trình tường. Bên trong ấy kiểu gì cũng có vài chục lít rượu để gia chủ đãi đằng bạn bè và khách phương xa. Rượu Simacai vốn có chung cái nôi với rượu Bắc Hà một trong bốn túy tửu của Lào Cai và của cả vùng Tây Bắc (rượu ngô Mường Khương, rượu Bắc Hà, rượu thóc San Lùng- Bát Xát và rượu Thanh Kim-Sapa). Rượu nhiều vô vàn, chén nào cũng đầy, trong cái lạnh mười độ với lất phất mưa phùn hay chiều sương giăng mà quây quần ngồi uống thì ngỡ rằng trên đời không có gì thú bằng. Hồi còn đi học tôi có nghe câu: “Loài người có hai phát minh quan trọng nhất. Một là phát minh ra lửa để biến vượn thành người và hai là phát minh ra rượu để biến người thành tiên”. Đến Simacai quả thật như thế.
Đến với Simacai bên chén rượu Bản Phố sóng sánh đầy là cuộc trò truyện với những người tiên phong khai sơn phá thạch.
Simacai ngày 22/11/2008

Share this article :

Đăng nhận xét

Recent

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Tuần hantimes - All Rights Reserved
Han Times| Đơn giản Sông luôn chảy
Proudly powered by Đăng nhập