ĐIỂM BÁO VỀ SỰ VỤ ĐOÀN VĂN VƯƠN #2

Thứ Hai, 16 tháng 1, 20120 nhận xét

Link liên quan: http://www.hantimes.com: Điểm báo về sự vụ Đoàn Văn Vươn.


Như vậy là 12 ngày sau phát súng Hoa cải của gia đình Đoàn Văn Vươn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu "Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng kiểm tra làm rõ đúng, sai, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc giao đất, sử dụng đất, tổ chức cưỡng chế thu hồi đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn; báo cáo Thủ tướng" (vietnamnet.vn: Thủ tướng yêu cầu Hải Phòng làm rõ vụ cưỡng chế đất).

Tuy nhiên trước khi báo cáo này được đặt lên bàn làm việc của Thủ tướng, thì dư luận đã có thể thống nhất về mấy cái sai của UBND huyện Tiên Lãng, trong vụ thu hồi đất tại Cống Rộc  - Tiên Lãng Hải Phòng.
Thứ nhất là thu hồi đất trước thời hạn:

Đất nông nghiệp khi được giao cho hộ sản xuất có thời gian là 20 năm, tại sao UBND huyện Tiên Lãng lại đặt ra mức hạn 14 năm?

(Đầm ông Vươn giờ đã bị giao cho người khác. Ảnh st từ Vietnam net)

Lê Viết Quân trong bài viết: Câu hỏi sau vụ chống cưỡng chế ở Hải Phòng”,   đăng trên Tuần Vietnam net cho biết: Nhiều hộ dân có đầm nuôi trồng thủy sản tại khu vực xã Vinh Quang, trong đó có Đoàn Văn Vươn, không đồng tình với quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng vì trong các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản chỉ có thời hạn giao đất 4 - 15 năm nhưng hợp đồng của nhiều hộ, thời điểm ký là năm 1997 đã ghi lùi thời hạn áp dụng từ 1993”.  
Tại cuộc họp báo ngày 12/5 vừa qua, bản thân các lãnh đạo của huyện Tiên Lãng, Sở Tài Nguyên Môi Trường thành phố Hải Phòng cũng không thể lý giải một cách thỏa đáng các câu hỏi của phóng viên trong vấn đề này.
Tác giả Lê Viết Quân trong bài Bài học nào từ vụ chống cướng chế ở Hải Phòng”, đã cho rằng: Sau một chuỗi dồn đẩy không mệt mỏi của chính quyền(sở tại), "kẻ không tốt" trên đã bị hắt sang lề trái của con đường. Cái lề trái đó đương nhiên bị xem là phạm pháp, còn chủ thể của nó bị coi là kẻ thủ ác, giờ đây đang phải đối diện với cáo trạng về "hành vi giết người". Cụm từ “kẻ không tốt” được tác giả dùng lại từ lời của ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh Văn Phòng UBND huyện Tiên Lãng.
(Giáo sư Đặng Hùng Võ: Tôi sẵn sàng đối chất. Ảnh sưu tầm từ VnExpress)
Sáng ngày 13/1. trao đổi với VnExpress, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Giáo sư Đặng Hùng Võ khẳng định: "Cái sai nữa của UBND huyện Tiên Lãng là hành vi thu hồi do hết hạn nhưng lại không căn cứ vào khoản 10, điều 38 Luật đất đai. Bởi khi hết hạn giao đất nhưng người dân khai thác có hiệu quả và Nhà nước không có dự án cần thu hồi thì người dân đương nhiên được tiếp tục kéo dài thời gian giao đất". Giáo sư Võ khẳng định: “Tôi sẵn sàng đối chất với UBND huyện Tiên Lãng”. (vnexpress.net: Tôi sẵn sàng đối chất về vụ cưỡng chế đất ở Hải Phòng)
Lý giải cho việc thu hồi đất trước thời hạn của UBND huyện Tiên Lãng, Lê Viết Quân cho rằng “Có mùi vị của lợi ích nhóm” – nghĩa rằng lãnh đạo huyện đã thu cướp thành quả lao động của gia đình ông Đoàn Văn Vươn để phục vụ cho một nhóm cá nhân nào đó.
Thứ 2. Đẩy quân đội vào một vết nhơ lớn
“Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
(Cưỡng chế thu hồi đất tại Cống Rộc. Ảnh sưu tầm tại nld.com.vn)
Hồ Chí Minh đã gạt bỏ đi những quan niệm về việc quân đội là một công cụ của giai cấp thống trị mà khẳng định: “Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân”. Cụm từ “hiếu với dân” chỉ quân đội phải đối với người dân như con cái đối với cha mẹ. Quân đội vốn sinh ra từ dân, đảm nhiệm cái sứ mệnh thiêng liêng mà người dân giao phó  là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, tôn nghiêm quốc gia. Quân đội không được phép tùy tiện tham gia vào các sự vụ dân sự.
Theo những thông tin mà chúng ta được biết thì lãnh đạo huyện Yên Lãng đã bổ xung quân đội vào lực lượng cưỡng chế của huyện, tiến hành giải tỏa mà nói thẳng ra là đàn áp gia đình người nông dân trí thức Đoàn Văn Vươn. Vậy thì “Trung” ở đâu, “Hiếu” ở đâu?  Nhận một nhiệm vụ sai trái, rốt lại cũng không hoàn thành được, để đối tượng kháng cự bắn bị thương sáu người, đào thoát rồi công nhiên ra đầu thú, thế thì danh dự quân đội, công an ở đâu? Xem thêm "Vài câu hỏi về vụ Đoàn Văn Vươn"
Thứ ba: Xâm nhập, cưỡng chế trái phép tư gia, đất đai của người dân.
Những thông tin gần đây cho biết: Khu vực mà lực lượng cưỡng chế huyện Tiên Lãng tiến vào không nằm trong diện tích đất bị thu hồi.
(Ngôi nhà của anh Đoàn Văn Quý - Không nằm trong diện phải thu hồi. Ảnh st từ VnExpress)
Điều này đặt ra một câu hỏi: Danh dự, tính pháp lý của chính quyền của quân đội, công an ở đâu khi vô cớ xông vào đất hợp pháp của người dân? “Tại sao những người cưỡng chế lại mang vũ khí tiến vào khu nhà 2 tầng của anh Đào Văn Quý mà khu vực đó không phải là khu vực bị chính quyền thu hồi? Hành động đó có vi phạm chủ quyền của chủ nhà và các quyền công dân khác? Theo tôi là có, và vì thế họ không được coi là những người thi hành công vụ và hành động chống trả phải được xem là phòng vệ chính đáng”. Tiến sỹ Nguyễn Quang A (Vài câu hỏi về vụ Đoàn Văn Vươn).
Đặt một câu hỏi, nếu lực lượng của chính quyền huyện chỉ tiến đến khu đất cần thu hồi để thực thi nhiệm vụ, thì có việc nổ súng hoa cải hay không? Tôi cho rằng không! Lãnh đạo huyện Tiên Lãng thừa nhận “quá tay” trong việc thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn! Một sự thừa nhận đầy những bi hài!!!
Thứ 4: Hủy hoại tang vật của vụ án và tài sản công dân
Lực lượng của chính quyền huyện Tiên Lãng đã kéo sập ngôi nhà hai tầng của anh Đoàn Văn Quý (em trai ông Vươn), lưu ý là ngôi nhà này  không nằm trong diện thu hồi, cưỡng chế.
          (Nhà của anh Đoàn Văn Quý giờ chỉ còn là đống gạch vụn. Ảnh st từ Vietnamnet)
Theo lý giải của lãnh đạo huyện thì: “mặc dù ngôi nhà này không nằm trong diện tích cướng chế thu hồi đất theo Quyết định 461, nhưng do ngôi nhà này đã xảy ra vụ tấn công vào lực lượng cưỡng chế, là địa điểm xảy ra việc phạm tội nên cơ quan chức năng của H. Tiên Lãng đã phải sử dụng biện pháp phá ngôi nhà”. (vietnamnet – Hải Phòng thừa nhận cưỡng chế quá tay).
(Lê Văn Hiền -Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, Hải Phòng: Cưỡng chế quá tay - trả lời báo chí ngày 12/1. Ảnh st từ VnExpress)
Nếu coi đó là tang vật của vụ án thì trách nhiệm của cơ quan chức năng là phải bảo vệ tang vật. Còn lý giải như lãnh đạo huyện Tiên Lãng thì có lẽ đến giờ Kinh thành Huế, dinh Độc Lập ... đã không còn nữa. Toàn bộ những ngôi nhà mà Lê Văn Luyện (thậm chí là kể cả tiệm vàng Ngọc Bích (Bắc Giang) đều phải bị phá hủy hoàn toàn.
Lên tiếng về việc này luật sư Trần Vũ Hải đề nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (dân biểu Hải Phòng) chỉ đạo Bộ Công an xem xét việc khởi tố vụ án hình sự trong việc đánh sập ngôi nhà của ông Đoàn Văn Vươn, tại huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng (bbc vietnam, kiến nghị khởi tố vụ phá nhà ông Vươn).
Một điều khá kỳ lạ là trong sự vụ Cống Rộc, chính quyền TP Hải Phòng đã “ông chẳng bà chuộc”. Trong khi Chủ tịch huyện Tiên Lãng cho biết: Lực lượng cưỡng chế đã đánh sập nhà ông Đoàn Văn Quý thì ngài Đỗ Trung Thoại - Phó Chủ tịch UBND thành phố lại quả quyết: “Việc phá nhà ông Vươn là do nhân dân bất bình và bức xúc quá nên đã làm vậy và một số tờ báo viết sai” (nld.com.vn: Phó CT Hải Phòng – Nhân dân bức xúc phá nhà ông Vươn)
(Đỗ Trung Thoại - Phó CT UBND thành phố Hải Phòng: “Việc phá nhà ông Vươn là do nhân dân bất bình và bức xúc quá ..." Ảnh st từ nld.com.vn)
Thông tin báo chí cho hay, khu đầm nuôi tôm mà ông Đoàn Văn Vươn khai phá đã được bàn giao cho người khác. Hiện tại những kẻ được chia quả thực đang tiến hành hôi của tại đầm ông Vươn.
Chị Phạm Thị Hiện (vợ của Đoàn Văn Quý) và chị Nguyễn Thị Thương vợ của Đoàn Văn Vươn) cho Vietnamnet biết:“nhiều ngày nay, rất nhiều người lạ mặt đã sử dụng các phương tiện đánh bắt bằng điện như kihcs điện, te điên.... thu hoạch số thủy hải sản mà gia đình các chị đã đầu tư, nuôi thả từ đầu năm 2011”. Điều nực cười là ở chỗ trong khi nhiều kẻ xưng danh là công an xã, đứng ra ngăn trở phóng viên tác nghiệp thì lại làm ngơ trước việc đầm của Đoàn Văn Vươn bị rút cạn nước để hôi của (vietnamnet.vn: Thủy sản tại đầm của Đoàn Văn Vươn bị vơ vét).
(Đầm ông Vươn bị tháo cạn nước để tiện cho việc hôi của. Ảnh st từ Vietnamnet)
Chỉ có người đã từng phải đổ mồ hôi công sức, tiền của và cả sinh mạng của của người nhà mới thấu hết được nỗi xót xa. Chị Hiền bày tỏ:“Chưa bao giờ chúng em sử dụng phương tiện đánh bắt bằng điện để khai thác thủy sản trong đầm, vì như thế là hủy diệt môi trường, hủy diệt trứng của các loại thủy sản trong tự nhiên. Em chỉ lo, mai này mà được trả lại đầm, chắc chẳng còn loài nào sống sót, vì nó đã bị kích điện, te điện diệt hết cả từ khi còn trong trứng nước!”. (vietnamnet.vn: Thủy sản tại đầm của Đoàn Văn Vươn bị vơ vét).


Vậy đó giữa cơn tai biến như vậy mà người dân còn tin - một niềm tin mơ hồ rằng đến này nào đó, chính quyền sẽ trả lại những mồ hôi, nước mắt, công sức lao động cho mình. 


Đại tướng Lê Đức Anh khẳng định: “Chính quyền phải bồi thường cho gia đình ông Vươn. Cả gia đình họ mất nhiều năm mới có thành quả như hiện nay mà chính quyền lại muốn thu hồi, điều đó là không được! Nếu TP Hải Phòng và Trung ương không xử nghiêm việc này thì rất nguy hại” . Đó cũng là mà người dân mong muốn gửi tới ngài Thủ Tướng.
Share this article :

Đăng nhận xét

Recent

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Tuần hantimes - All Rights Reserved
Han Times| Đơn giản Sông luôn chảy
Proudly powered by Đăng nhập